Nhà tôi vốn rất gần một khu sách cũ nổi tiếng bên hông nhà máy thuốc lá Vinataba cũ ( nay nhà máy này đã dời đi ). Chỗ này vốn là nơi hay lui tới của những người yêu sách cùng với khu sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ( giờ khu đó dẹp rồi, các nhà sách nay chuyển qua bán sách mới cả ). Sách cũ thường được phân thành từng khu và xếp chồng lên nhau. Có đến khu sách cũ này mới cảm thấy được cái thú của việc cảm nhận giống như mình đang sống trong những tháng ngày của những năm xa xôi về trước, đôi lúc chợt dừng lại trước một chồng báo, tạp chí phát hành những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thấy cuộc sống thời đó chả khác giờ là bao, cũng đầy những mẩu tin "thời sự" và "lá cải" có chăng là mấy cô trong hình ( đáng tuổi má mình ) trông xấu hơn giờ :) . Có lần tôi còn đọc được tờ báo phát hành vào ngày 2/11/1963 đưa tin ông Diệm bị giết, cảm giác hệt như mình đang sống ở thời đó vậy, một cái cảm giác kỳ dị mà thích thú.
Ấy là cái thú của việc dạo trong khu sách cũ để có cái cảm giác lãng đãng xưa xưa khó giải thích ấy, cũng có chăng chỉ mấy người hoài cổ như tôi mới bị chăng ?
Bên cạnh cái lý do về cái chứng hoài cổ quái dị, thì có lẽ tôi còn một lý do khác khiến tôi thích tìm về mấy cuốn sách xưa hơn. Đó là lý do về "Ngôn ngữ".
Ngôn ngữ trong sách xưa, những cuốn sách phát hành trước năm 1975 ở Sài Gòn và trước năm 1954 ở Hà Nội thường dùng cái lối ngôn ngữ rất trịnh trọng pha chút khách sáo của người viết, nó khiến người đọc cảm giác được sự tôn trọng từ người viết cuốn sách. Tỷ dụ như cuốn "Đắc nhân tâm" tựa tiếng anh gốc là "How to win friends and influence people" cái tựa này mà giờ mấy ông dịch giả 3 xu dịch thì chắc nghe sẽ khá tởm tởm kiểu "Làm giàu bằng cách kết bạn" hay "29 cách lấy lòng người khác", thế nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê một học giả nổi tiếng trong giới tri thức Sài Gòn trước và sau năm 75 lại dùng cách dịch của giới trí thức thời ấy với cái phong cách ngôn ngữ rất đặc trưng như tôi nói ở trên, cuốn "Đắc Nhân Tâm" sau này cũng có vài người dịch nhưng hình như bán không chạy nên dạo gần đây mấy hãng sách họ đi in lại bản dịch của cụ.
Chắc bạn cũng thấy được mấy câu phía trên tôi viết có chút hơi "kỳ kỳ", vì tôi có dùng vài từ "cũ" cũng như đôi chút theo lối hành văn kiểu "cũ" chăng ?
Mấy từ "cũ" trong sách "xưa" theo tôi cảm nhận chúng thường là các từ Hán-Việt, hoặc Nôm phiên âm, có lẽ phần là các cụ học giả xưa vẫn còn dính đôi chút với cái thời nho học, như cụ Nguyễn Hiến Lê bản thân cũng là một nhà nho học, rồi các cụ lại thành tài, thành danh trong cái nền văn hóa của người Pháp nên nhiễm lối hành văn hoa mỹ của người Pháp ( người Pháp lại là điển hình của nền văn hóa hoa mỹ - họ vẫn tự cho là những người đại diện cho văn hóa Âu Châu ).
Những điều đó hợp lại tạo nên một kiểu văn hóa điển hình của thời kỳ mà người tri thức được trọng vọng, và thời kỳ này hiện giờ chỉ còn sót lại đôi chút trên những trang giấy ố vàng của những cuốn sách long gáy tại những tiệm sách cũ nhỏ bé giữa cái thành phố phồn hoa nhưng nhiễu nhương này
Sài Gòn 27/8/2012
Bài của Khải Đơn: http://khaidon.wordpress.com/2012/07/27/sach-cu-duyen-cua-thoi-ebook/
No comments:
Post a Comment
Quí đọc giả đọc xong, nếu thấy chút thú vị thì tác giả cũng mong được chút comment lấy làm kích lệ