Friday, July 1, 2011

Làm sao để tri thức thực sự là của mình ?

Dạo gần đây đọc nhiều sách hay, đâm ra đầu óc bay bổng quá. Ngồi tĩnh tâm chút nghĩ về cách mình đã học đúng chưa ?

Thoạt nhiên khi nghe câu hỏi này có thể bạn sẽ tức cười, vì ở tầm tuổi tôi hay bạn thì chuyện học có lẽ đã diễn ra qua nhiều năm rồi, và dĩ nhiên tôi cũng không nói tới chuyện "Học, học nữa, học mãi". Mà tôi muốn nói tới chuyện, ta giữ được bao nhiêu mảnh tri thức sau khi tọng vào đầu vô số "dữ liệu".

**************

Sự thật là hàng ngày, não bộ chúng ta ghi nhận hàng triệu dữ liệu mới, bao gồm hình ảnh, âm thanh, mùi vị, dữ liệu cảm biến ( xúc giác ), dữ liệu tri thức .... có thể lên tới hàng ngàn Gigabyte dữ liệu một ngày, tương đương một trận DoS có cường độ lưu lượng vài trăm Gigabit/s. Và bạn cũng sẽ thấy rằng, ta chỉ nhớ được rất ít, thậm chí tí xíu, trong hàng ngàn GB dữ liệu nói trên, do đó ta sẽ dễ dàng nhận ra là não bộ của chúng ta có một cơ chế tương tự Firewall, hay thậm chí là IPS có tính năng cản, phân tích, lọc, và định tuyến khối dữ liệu khổng tượng đang hàng ngày dội vào não bộ của ta - một datacenter khổng lồ

Vậy có cơ hội nào cho những dữ liệu giá trị, tức là những tri thức, kinh nghiệm nhỏ bé nhưng có giá trị tái sử dụng trong tương lại, như những con thuyền bé nhỏ, chòng chành, chen chân trong cơn lũ dữ liệu đang ào ạt chảy vào não của chúng ta ? Hay nó nhanh chóng bị nghẹt lại ở bên ngoài não do não bị bão hòa ( bão hòa đường truyền :D ), hoặc ta tự quên lãng, tự xóa kiến thức đó đi khi ta cảm thấy nó vô ích hay ít giá trị ( bị Firewall, IDS, Antivirus lọc bỏ )

************************

Để giải quyết câu chuyên trên mà tôi đề cập , bạn có thể bắt đầu bằng việc ngẫm nghĩ nhận định mà tôi nói dưới đây là xem nó đúng hay không ( hề hề, tôi đang kêu gọi cái Firewall của bạn cho tôi vào đấy :)) )

Học là quá trình "tinh hóa" tiếng anh là "crytalize"  ( Đây là cách diễn giải của anh Hoàng Ngọc Diệp - anh của anh Diêu :D ). Mà ở đó con người cần đi qua quá trình sau

Học -> Hiểu -> Ứng dụng -> Nói -> Viết -> Dạy


Tôi giải thích quá trình trên chi tiết như sau

Học: là bắt đầu nhận thông tin vào não, lúc này thông tin tri thức mới chỉ là dạng thô, chưa được lọc lại cái nào ta tin là có ích, cái nào đáng để ghi nhớ. Ở bước này, ta lấy ví dụ học vào 10 chữ, thì ta có cả 10 chữ trong bộ nhớ tạm thời của não

Hiểu: là bước lọc dữ liệu đầu tiên, ta dùng khả năng của chính mình để suy luận, lập luận, các trí thức mà ta mới nạp vào đầu kia, cái nào ta thấy có ích, cái nào đáng để ghi nhớ, cái nào đáng để hy vọng có thể tái sử dụng trong tương lai. Ở bước này 10 chữ chỉ còn 7, và đã được đưa vào bộ nhớ dài hạn

Ứng dụng: là ta lại lấy từ trong bộ nhớ dài hạn của ta 7 chữ vừa rồi để ứng dụng thực tế, chiêm nghiệm xem cái nào dùng trong thực tế là hữu lý, thì giữ lại, cái nào ko ứng dụng dc thì dần già sẽ bị não bộ cho về miền ... vô cực ( tức là quên quách đi ấy ). Sau khi ta ứng dụng thực tế rồi, thì tri thức được giữ lại chính là kinh nghiệm dài hạn, là thứ ta còn thấy có ích, còn khả năng tái sử dụng trong tương lai. Ở bước này 7 chữ thì chỉ còn 5

Nói: là ta bắt đầu muốn truyền đạt lại cho người khác. Đây là nhu cầu tất yếu của việc tồn tại, tri thức có truyền đi thì giống nòi mới tồn tại được, đây là bản năng tự nhiên được đấng sáng tạo lập trình trong bản năng của con người. Nhu cầu này tương đương với tầng 4 (esteem) và tầng 5 (Self-Actualization) trong Tháp nhu cầu của Maslow (Maslow's Hirachy of Needs). Nói là hình thức truyền đạt sơ khai nhất, bản năng nhất, và nhanh nhất, cũng như ... vô trách nhiệm nhất của con người. Tại sao vô trách nhiệm ? Vì lời nói khi nói ra làm qué gì có bằng chứng là ta đã nói điều abcxyz gì đó ( ko đề cập tới phương tiện kĩ thuật hiện đại ở đây nhé ). Nên ta sẽ thoải mái truyền đạt kinh nghiệm ta có. Tuy nhiên, vì là truyền đạt cho người khác, nên ta dĩ nhiên cũng có sự chọn lọc, chỉ truyền đi những thứ ta thấy "có lý" hay "có giá trị" trong những thứ kinh nghiệm mà ta còn ở trong đầu từ bước trước, vì bản năng muốn duy trì tri thức khiến ta làm chuyện như vậy.
Do lại tiếp tục chọn lọc, nên não bộ của ta lại tiếp tục xóa quách đi cái nào mà ta còn thấy nghi ngờ, hoặc đẩy nó vào chỗ lưu trữ linh tinh nào đó rất khó truy cập nếu ko có điều kiện đặc biệt khiến ta gợi nhớ. Ở bước này, 5 chữ chỉ còn 3

Viết: là lại cô đọc tri thức trong đầu thành một thứ nữa để truyền đạt. Viết ra là một công việc vô cùng cực nhọc mà bạn hẳn là có đôi lần cảm giác thấy, bạn biết điều mình muốn viết nhưng không biết trình bày làm sao, viết ra cái nào, cái nào ko viết ra. Lí do của sự băn khoăn này là do Viết là hình thức truyền đạt có chứng cứ, ta sợ rằng ta viết tầm bậy thì tri thức ta truyền đạt mất khả năng tiếp tục được truyền đạt lại, và làm ta bị chê cười. Điều lo sợ này phù hợp với tầng 5 trong tháp Maslow. Do lo sợ nên ta lại tiếp tục chỉ chọn ra tri thức nào ta thấy cực kì tin tưởng là nó có giá trị thì mới viết ra, vậy là ta lại "tinh hóa" dữ liêu trong đầu lần nữa. Qua bước này 4 chữ trong 10 chữ ta học chỉ còn 2

Dạy: thực ra dạy cũng là việc nói, hay viết ra tri thức từ trong đầu, thế nhưng chuyện này ta làm ở tâm thế khác. Dạy ta bị áp lực của niềm tin từ người học vào tri thức mà ta truyền đạt, và áp lực của số đông người mà ta truyền đạt, khác với chuyện nói hay viết đơn thuần, có thể chỉ cho mình ta đọc lại hay cho vài người nào đó đọc hay nghe lại. Dạy là truyền đạt tới nhiều người với tâm thế được đám đông trọng vọng. Nên vì tâm lý áp lực, khiến cho chính ta lại tiếp tục chọn lựa trong phần tri thức tốt nhất còn lại trong đầu mình sau nhiều bước tinh lọc, cái nào mà ta tin tưởng bằng tất cả trái tim mình là nó đúng thì mới chọn ra để truyền đạt. Bước này là bước tinh hóa cuối, nơi thử lửa cuối của lòng tin vào tri thức, sau bước này thì 2 chữ trong 10 chữ ta học từ đầu giờ chỉ còn 1.

1 chữ còn lại này chính là thứ ta nhớ lâu nhất, tự hào nhất, và an tâm nhất khi nhớ nó hay khi mang nó đi truyền đạt lại cho người khác.

Toàn bộ quá trình trên thường xuyên được lặp đi lặp lại khi có tri thức mới được nhập vào, hay có điều kiện gì đó gợi nhớ lại kiến thức mà ta từng loại bỏ trong quá khứ.

*************************

Hề hề, tôi viết ra thế này đúng nghĩa là tôi đang tinh hóa cái mớ lộn xộn trong đầu mình mấy bữa nay rồi.

Tôi vẫn rất thích lắm cái từ "tinh hóa" ( crytalize ) của anh Hoàng Ngọc Diệp, vì tôi có dịp nhiều lần gặp lại từ này dưới nhiều dạng khác nhau khi nói chuyện với một số bộ não lớn khác :))

xnohat

1 comment:

Quí đọc giả đọc xong, nếu thấy chút thú vị thì tác giả cũng mong được chút comment lấy làm kích lệ